Trần H. Trung
« English »
Tôi là một ảo thuật gia chuyên về phim.
Phim bao gồm cả hình ảnh lẫn âm thanh. Khi khán giả xem phim, họ bị đắm chìm vào thế giới mà các nhà làm phim đã tạo ra. Đây là hoàn toàn là một ảo giác. Thật ra ở trong rạp, khán giả đang tiếp thu ánh sáng trên tường phát ra từ máy chiếu và âm thanh phát ra từ loa.
updated: 2022-07-12
(sửa đường dẫn)
i. Khởi Đầu
Sinh ra ở Sài Gòn, bố mẹ tôi được một trận sặc sụa khi năm lớp một, tôi có thể tùy ý chuyển giữa giọng Nam và Bắc. Vài người bạn vẫn bất ngờ khi tôi chuyển giọng dù họ đã từng nghe cả hai giọng.
Dù gia đình tôi lúc đó vẫn đang kinh doanh dịch vụ rửa phim tráng ảnh, tôi mê xem đua xe trên truyền hình hơn là những tấm hình tĩnh đầy nhà. Một hôm tôi xem được một trương trình ảo thuật và được đi xem xiếc (không nhớ việc nào xảy ra trước), nhưng tôi không thể quên được cảm giác tò mò. Bắt đầu từ năm 13 tuổi, vì không thể kiểm soát được trí tò mò của mình, tôi tự tìm tòi học ảo thuật. Trước lúc đấy thì tôi bị anh chị phụ huynh cho đi đầy ở một trường nội trú tại Vương Quốc Anh. Vì tôi là người duy nhất nói tiếng Việt ở trường, tôi không thể lẩn trốn việc học tiếng Anh như trước đó học tiếng Pháp hay tiếng Hoa.
Sau 3 năm ngồi xem video, đọc sách và nhìn cái gương khung màu hồng bé bằng bàn tay, tôi đăng ký tham gia vào buổi biểu diễn tài năng ở trường cùng với một người bạn tên Ben Chant. Đã rất lâu rồi nên tôi không nhớ rõ chi tiết trương trình bao gồm những gì ngoài cảm giác lo âu. Tôi chỉ nhớ phần của tôi có một bộ bài, vài điếu thuốc và một chiếc giày rất “đặc biệt”. Tôi nhớ Ben còn làm một điếu thuốc rất to - đường kính chắc phải 40cm. May mắn nhờ có Nick Bourne đã hỗ trợ phần truyền hình trực tiếp trên sân khấu (vì bộ bài của tôi quá nhỏ), nhân phẩm của chúng tôi đã sống sót qua buổi diễn.
Tôi nghĩ là sau tối hôm đấy các giáo viên trong trường đã cố gắng hiểu cho lý do tôi hút thuốc. Được vài hôm, tên của tôi lại có mặt trên tất cả danh sách kiểm điểm như cũ.
Tiếc là truyện này xảy ra khi điện thoại có máy chụp hình vẫn còn đang ở thời sơ khai. Tôi chỉ còn vài tấm hình từ chuyến từ thiện thăm Namibia trước khi chia tay trường phổ thông.
ii. Trở Về
Đã có thể tự xưng là “ảo thuật gia”, tôi tìm đến những nghệ sĩ đường phố mỗi khi đến London và tìm hiểu thêm về nghệ thuật và văn hoá xiếc. Tôi nhớ nhà trường còn mời một ảo thuật gia thực thụ về trường để tôi có dịp tiếp xúc. Thực sự tôi rất cảm kích bởi lòng tốt của tất cả các thầy cô dù chả biết phải cảm ơn ai lúc đấy. Gì thì gì, khi đi đến lớp piano mỗi tuần, tôi phát hiện có bộ trống ở phòng kế bên.
Năm 2011, tôi về lại Việt Nam và quyết định sẽ làm nhạc sĩ. Tất nhiên là không được thành công cho lắm vì hiện giờ tôi không thể giới thiệu mình là nhạc sĩ. Lúc đấy tôi chẳng quen biết ai cả. Tôi cứ đến Đô-rê-mi - một tiệm nhạc cụ đối diện chỗ tôi hay đi bơi để chơi chùa trống ở cửa hàng của người ta. Hẳn người đi đường lúc dừng đèn đỏ cũng được giải trí chút ít dưới ánh nóng Sài Gòn; khi chiêm ngưỡng mấy anh thanh niên giật động kinh sau tấm kính của căn phòng khoảng hơn 10 mét vuông. Đây là đường dẫn đến tư liệu mà Rich - một người bạn của chúng tôi ghi lại được: Midnight Charlie.
Được một thời gian tôi hỏi Đôn, chủ của cửa hàng, cho tôi được vào làm ở đấy luôn. Không lâu sau cửa tiệm chuyển sang địa điểm rộng hơn. Nơi đây tôi bắt đầu mò mẫm về thu âm. Do các bạn hay đến cửa hàng chơi nên tôi dùng cơ hội này thu âm lại những buổi biến tấu của chúng tôi. Đây là đường dẫn đến hai trong vô vàn những buổi biến tấu dài lòng thòng tôi thu lại được: SaigonJam-1 và SaigonJam-2.
Gần được một năm đồng hành với Đô-rê-mi, tôi xin ra riêng và mở một phòng tập nhạc để phục vụ cho các băng nhạc rock ở Sài Gòn.
Bỏ qua nỗi cay cú vì không thể tự xưng là nhạc sĩ, tôi nghĩ rằng tôi đã học được rất nhiều điều về âm nhạc/thanh, công việc kinh doanh và kết bạn được với rất nhiều nhân tài. Khi nghĩ lại, tôi luôn biết ơn vì đã được trải qua thời gian đấy.
iii. Lại Học
Sự thất bại trong con đường âm nhạc đã được đánh dấu bằng việc tiếp tục đi học ở RMIT. Nơi đây, tôi nhận ra niềm đam mê với ảo thuật vẫn chưa nguôi sau khi đến thăm DigiPost - một công ty hậu kỳ phim chuyên về quảng cảo. Tôi đã không thể ngờ được rằng xem phim cả ngày lại có thể được coi là một công việc chân chính.
Theo tôi hiểu, ở DigiPost lúc đó, Rice vẫn là một dự án nhỏ; ngoài lề đối với công việc chính của công ty. Tôi nhận thấy đây là một cơ hội hoàn hảo để tôi có thể vừa làm, vừa học về trò ảo thuật đang dẫn đầu thời đại này. Một ngày nọ, tôi xông vào phòng của Khoa - lúc đó là Giảng Viên Trưởng của ngành Thiết Kế Truyền Thông Kỹ Thuật Số và đòi tìm đường cho tôi có thể vào làm ở công ty này.
Tôi làm đủ thứ khi ở Rice. Tôi cũng học đủ thứ khi ở DigiPost. Những ngày tháng dốc sức cùng các bạn đồng nghiệp vừa rất vui vừa rất thấm. Ông/bà có thể biết thêm về những ký sự này ở trang phim. Sau hơn một năm với vô vàn trải nghiệm, dự án Rice đã trở thành công ty độc lập. Tôi nhận thấy đã đến lúc mình chuyển hướng.
iv. Thời Sự
Theo tôi biết, Ben không còn theo con nghiệp ảo thuật nữa. Anh ấy đã lập gia đình và đảm nhiệm công việc có ích hơn cho xã hội. Nick cũng đã lập gia đình và vừa công bố Handsome(2021) - một bộ phim tài liệu rất ý nghĩa về gia cảnh của anh.
Đại dịch COVID-19 khởi phát cuối năm 2019. Thế giới thay đổi về mọi mặt khi tất cả mọi người phải hạn chế tiếp xúc. Không thể rời nhà khi kẹt chữ cho phim tiếp theo, tôi tìm hiểu sâu hơn về máy tính và công nghệ thông tin. Tôi tìm ra GNU/Linux sau khi gặp trục trặc với hệ điều hành cũ; và rồi nảy sinh ý tưởng cho trang mạng này.
Chưa muốn gác nghiệp lông bông, tôi vẫn đang học làm phim. Phần lớn thời gian, tôi dành cho việc viết kịch bản. Không viết cho người thì tôi viết trình cho máy tính. Đến đây, nếu ông/bà vẫn đang đọc và cần giải pháp truyền thông liên quan đến môn nghệ thuật thứ 7, xin liên lạc cho tôi theo thông tin tại đây.